Theo các đại biểu, giảm thuế VAT 2% nên áp dụng cho tất cả mặt hàng để kích cầu, đồng thời kéo dài một năm thay vì 6 tháng nhằm phát huy hiệu quả.
Chính phủ đang trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%, trừ một số lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, viễn thông. Chính sách này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với tổng cầu giảm sâu.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, nhiều đại biểu cho rằng nên nới chính sách giảm thuế này với tất cả hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Cần giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Việt Nam nói. Theo ông, mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường – nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân đồng tình việc mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được thụ hưởng chính sách này để kích cầu tiêu dùng.
“Mở thêm lĩnh vực cần Chính phủ rà soát, đề xuất Quốc hội, nhưng theo tôi nên tập trung vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu vốn đang rất khó khăn hiện nay”, ông nói.
Giảm thuế VAT 2% sẽ tác động ngay tới người dân, kích thích khả năng tiêu dùng khi họ tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, giúp kích cầu trong bối cảnh sức mua yếu. Doanh nghiệp sản xuất cũng được hưởng lợi gián tiếp khi tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tăng lên và giảm chi phí mua nhiên liệu đầu vào vì các mặt hàng này chỉ chịu thuế 8%.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng trong bối cảnh này, chính sách tài khóa cần mở rộng để giúp nền kinh tế thoát đà suy giảm, giải quyết bài toán an sinh xã hội, việc làm.
Theo ông, tất cả ngành nghề lĩnh vực đều kết nối với nhau. Thị trường tài chính là một thị trường quan trọng góp phần giải quyết bài toàn vốn cho doanh nghiệp. “Cái gì làm dễ, thuận lợi thì nên làm. Do đó, cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng, thậm chí có thể kéo giảm thuế này sâu hơn”, ông Ngân nêu quan điểm.
Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, một số ý kiến tại cơ quan này đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT với tất cả nhóm hàng hóa đang chịu mức thuế suất 10%, vì hiện các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng, chỉ nên giảm thuế với những lĩnh vực, nhóm hàng sản xuất đang bị giảm sâu, mất thị trường, đơn hàng.
“Các lĩnh vực làm ăn tốt, sinh lời cao như ngân hàng, không nên giảm để đảm bảo chính sách công bằng”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Trình Quốc hội lần này, Chính phủ cũng dự kiến thực hiện giảm thuế VAT về 8% trong 6 tháng, tức đến hết năm 2023. Nêu quan điểm, các đại biểu Quốc hội đều muốn kéo dài thời hạn áp dụng chính sách này một năm, sang năm 2024.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc kéo dài này nhằm tránh chính sách bị giật cục. Tương tự, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường cũng nhìn nhận, kéo dài giảm thuế sang 2024 để thời gian hỗ trợ đủ dài cho doanh nghiệp.
“Chúng ta kỳ vọng tới cuối năm 2023 kinh tế sẽ phục hồi nhưng liệu từ nay tới đó tình hình đã cải thiện chưa, hiện chưa có gì chắc chắn nên cần kéo dài chính sách này sang năm sau để phát huy hiệu quả”, ông nói.
Tuy nhiên quy định hiện nay, 31/12 là thời điểm phải quyết toán thuế, xây dựng kế hoạch ngân sách năm sau. Để việc kéo dài chính sách này không bị gián đoạn, ông Cường cho rằng nghị quyết của Quốc hội lần này nên có quy định mở. Tức là cho phép Chính phủ giảm thuế tới hết năm 2023, và nếu bối cảnh Chính phủ thấy cần tiếp tục kéo dài thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, không phải chờ tới kỳ họp sau.
Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường việc giảm thuế này vào ngày 1/6 và biểu quyết thông qua ở cuối kỳ họp.
*Trích nguồn: Anh Minh.