Continue to complete the draft Decree amending and supplementing Decree No. 123/2020/ND-CP on invoices and documents

Sửa Nghị định số 123/2020/NĐ-CP phải trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt chính sách pháp luật. Đó là yêu cầu chỉ đạo của Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành tại cuộc họp bàn về việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ vừa được Tổng cục Thuế tổ chức sáng 26/7.

 

Cuộc họp có sự tham dự của tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế; đại diện Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Thuế.

Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định số 123).

Theo Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, với việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, việc ngành Thuế triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai trong thực tiễn đã có những nội dung mới cần được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 cho phù hợp.

Trình bày nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123, Vụ trưởng Vụ Chính sách Lưu Đức Huy cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 21/3/2023, Tổng cục Thuế đã có Phiếu lấy ý kiến số 1292/TCT-CS lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về dự thảo Nghị định. Đồng thời, trong các tháng 3-4/2023, Tổng cục Thuế đã triển khai khảo sát thực tế tại các địa phương (gồm: Cần Thơ, Hải Dương, TP Hà Nội, Bình Định) để trao đổi, lấy ý kiến về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định và tổng hợp vướng mắc, khó khăn của các địa phương về triển khai hóa đơn điện tử.

Để thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung, ngày 24/7/2023, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp về dự thảo Nghị định. Tại cuộc họp, Lãnh đạo Bộ đã giao Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi xin ý kiến bộ, ngành, địa phương.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Tham gia ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định, tập thể Lãnh đạo Tổng cục và đại diện các đơn vị dự họp thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, tại cuộc họp, đại diện các Cục Thuế và đơn vị chuyên môn đề nghị cần tập trung vào nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 123 từ đó đưa ra các ý kiến cụ thể đối với các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại dự thảo Nghị định.

Kết luận cuộc họp, Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cảm ơn ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của đại diện các đơn vị và yêu cầu trên cơ sở các ý kiến góp ý, Vụ Chính sách có trách nhiệm tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Tổng cục báo cáo Bộ Tài chính để triển khai xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 phải bảo đảm các yêu cầu. Cụ thể:

Một là, quy định hóa đơn phải bảo đảm tôn trọng thực tiễn kinh doanh.

Hai là, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, doanh nghiệp, người nộp thuế và các tổ chức liên quan.

Ba là, đồng bộ về pháp luật đặc biệt là với pháp luật về kế toán.

Bốn là, bảo đảm tiếp tục ứng dụng, phát triển được hệ thống hóa đơn điện tử và các ứng dụng sẵn có.

Năm là, bảo đảm nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính.

Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh phải đặc biệt lưu ý công tác quản lý hóa đơn cần phải trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt chính sách pháp luật, đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ với trường hợp cố tình vi phạm.

Nghị định số 123 được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Trong đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn,…); giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.

Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Giảm thủ tục hành chính lên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.

Ngoài ra, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

*Trích nguồn: https://nhandan.vn/

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top